MỘT CHUYẾN ĐI, MỘT
TẤM LÒNG
Ghi chép sau
chuyến công tác tặng quà cứu trợ bà con vùng lũ miền Trung
Ngô
Thanh Tâm - Portcoast
Sau khi cơn bão số 9 tan, mưa lũ còn tiếp tục hoành hành gây thiệt hại
nặng nề cho miền Trung, trong đó có thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện
Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi đây lại
một lần nữa rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Bàn giao công việc cho đồng nghiệp, tôi theo Đoàn của Đoàn TNCS HCM khối
Bộ GTVT về Phước Thiện, Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Trước đó, qua
báo đài, được biết về thiệt hại nặng nề của huyện Bình Sơn sau trận bão,
Đoàn khối đã tổ chức quyên góp ủng hộ.

Đọc tên mời bà con lên nhận quà
|
5 giờ sáng ngày 16/12/2010 bắt đầu cuộc hành trình của chúng tôi
mang theo tấm lòng ấy của Đoàn viên trong khối đến với vùng quê
Quảng Ngãi.
Một trong những lý do Chi đoàn và Ban lãnh đạo công ty Portcoast
cử tôi đi với Đoàn khối có lẽ vì tôi cũng là một người con xứ
Quảng. Tuy Hội An quê tôi năm nay không phải hứng chịu quá nặng
nề tác hại của bão lũ nhưng tuổi thơ tôi đã hằn sâu những ký ức
về nó. “Năm nào không có lũ là như thiếu thiếu thứ gì đó” – Tụi
bạn tôi hay nói với nhau một cách cay đắng như vậy. |
Suốt chặng đường 800 cây số, đoàn chúng tôi gồm 7 người đến từ
các Chi đoàn khác nhau trong khối do anh Khánh - Ủy viên BCH
Đoàn khối làm trưởng đoàn. Ngoài những câu chuyện rôm rả thường
không ngớt mỗi khi lũ thanh niên chúng tôi đi với nhau, dù có
những người chỉ là mới gặp, mới quen, chúng tôi chia sẻ nhau
những tin tức được biết trên báo về thiệt hại ở Quảng Ngãi, cũng
như trên cả khúc ruột miền Trung.
Tôi vẫn không quên cảm giác khi những tin tức dồn dập được đăng
tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Trên địa bàn
huyện Bình Sơn, ngoài số người chết và bị thương, mưa lũ làm gần
3 nghìn nhà bị ngập sâu từ 1 đến 1,5m, 19 nhà dân bị sập hoàn
toàn, 11 nhà khác bị hư hỏng nặng, nhiều trường học bị hư hỏng
nặng, |
 |
hàng ngàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, chết và hơn 1000ha lúa hoa
màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện
Bình Sơn ước tính trên 58 tỷ đồng.” (Theo Internet, 15/11/2010).

Ánh mắt trẻ thơ … |
Xe chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng đã bắt đầu gieo
hạt.Những cánh cò đậu rải rác trên khắp, yên lành thế đấy.Bây
giờ, ở đằng sau cũng như đằng trước, bốn phía trải rộng những
cánh đồng. Tôi nhìn xung quanh, nỗi gần gũi thân quen ùa về
trong lồng ngực. “Thương quá làng quê bão dông chìm nổi,
thương xóm làng thưa cánh đồng chen núi, thương mía đường thơm
tô mì gạo mới”. Trong phút chốc, tôi như bỏ quên cuộc sống
phồn hoa tất bật của Sài Gòn ở hẳn một nơi xa xôi nào đó rồi.Chỉ
mong được nhanh chóng thấy bóng dáng xóm làng.
Đặt chân lên mảnh đất “tần tảo” vào khoảng 1 giờ trưa trong cái
lạnh cuối đông cùng với cơn mưa mỗi lúc thêm dày hạt. Hẹn 2 giờ
nhưng khi chúng tôi đến đã thấy bà con tập trung đông đủ. Lòng
tôi không khỏi xót xa khi thấy |
rằng, đối với bà con, chúng tôi đến như là ngày hội. Sự mong chờ
ấy chất phác như chính bản chất con người đất Quảng. Nỗi mừng
mừng tủi tủi ấy như là ba tôi, mẹ tôi suốt đời hiền lành chắt
chiu nhưng cứ vừa dựng lên được chút gì, chưa kịpmở mày mở mặt
thì bão lũ đã tới cuốn đi tất cả. Rồi lại cặm cụi nhặt nhạnh
những gì còn xót lại để tiếp tục làm lụng, những mong gầy dựng
cho mùa sau.“Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo.Vẫn khen đất
mình chưa mưa đà thấm”.Thương đất quê tôi, thương con người
quê tôi là vậy đó. Chúng tôi mang theo 200 phần quà cùng áo quần
đến cho bà con, suốt chặng đường dài đầy trân trọng. Trong khi
các anh chị khác đọc tên |
 |

Nỗi lo của người lớn … |
để mời bà con lên nhận quà theo phiếu đã nhờ địa phương phát hộ
đến những hoàn cảnh khó khăn, tôi len lỏi trò chuyện với bà con.
Bây giờ thì trời đất đã yên, mất mát đau thương cũng đã nguôi,
đã lại có những nụ cười, nhưng làm sao có thể xóa đi được nét
khắc khổ trên khuôn mặt đàn ông, vẻ cam chịu trong ánh mắt phụ
nữ? Có những người bọc tấm phiếu bằng bao nilon cho khỏi ướt, có
những người chân còn mang ủng vì phải lội bùn tới đây. Các cụ
già lưng đã còng, chân đã yếu mà chưa thể cất được gánh nặng của
cuộc đời, vẫn phải lội mưa vì hoàn cảnh gia đình.Có người không
có phiếu (do số lượng chỉ có 200 mà số hộ khó khăn thì quá nhiều)
vẫn đến đây chỉ chờ có thể xin được sự giúp đỡ nào hay không.Tôi
nhớ hoài hình ảnh cô gái câm ấy, gương mặt xinh xắn nhưng xanh
xao quá đỗi, với ánh mắt |
trong veo tưởng có thể vớt được từ đó bao nhiêu là sao trời. Chị
Hương, hàng xóm em kể với tôi rằng, Lan (tên cô gái) bị câm từ
bé, ba mẹ đều bỏ đi, hai anh em sống dựa vào nhau. Nhưng mấy năm
trước, một tai nạn đã cướp đi của người anh sự tỉnh trí. Anh cô
bị bại não, đi lang thang nhiều khi mất tích mấy ngày trời. Cũng
may nhà chùa thỉnh thoảng cho đôi ba chục ngàn mới có thể sống
qua ngày. Sáng nay đi ngang nhà vẫn thấy Lan ngơ ngáo đứng trông
ra, chị kéo Lan theo. Bản thân chị Hương cũng bị mất cả đàn 5
con heo thịt do lũ tới quá gấp không kịp chuyển lên cao hơn. 5
con heo đó là cả gia tài của chị. Tiền chợ búa cả gia đình, tiền
học của 3 đứa con, tiền lo cho đám giỗ ông nội sắp tới, kể cả
cái tết đang tới gần, |
 |
toàn trông vào đó cả … Quá nhiều những mảnh đời, quá đỗi những đau
thương … Nhìn ánh mắt chờ đợi của người lớn, khuôn mặt buồn bã của trẻ
thơ, lòng tôi ray rứt. Làm sao trả lại cho các em một mùa trung thu với
những chiếc lồng đèn rực rỡ mà bão lũ đã cướp đi? “Tan nát hết rồi con
ơi!”, như lời một bà cụ thốt lên khi tôi hỏi chuyện. Còn nhớ năm ngoái,
khi cơn bão số 9 có cái tên đầy hương “Ketsana” ập đến đã làm tan hoang
biết bao gia đình. Vết thương còn tấy máu thì cơn bão số 10 năm nay lại
một lần nữa vùi dập tất cả. Liệu có giấy bút nào có thể diễn tả được nỗi
đắng chát của bà con, sự vô duyên ấy của ông trời? Còn những cơn bão,
những đợt lũ nào đang rình rập ngoài khơi kia, đến bao giờ mới chịu để
bà con yên? Quảng Ngãi, nơi con sông TràBồng xinh đẹp mộng mơ được ví
như “dải lụa mềm” vắt ngang huyện Bình Sơn, từng nổi tiếng trong bài thơ
Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, nay lại thường xuyên được nhắc đến
trong các bản tin khi có thông tin về mực nước lũ lên!
Bão lũ đã đi qua, nhưng dường như với bà con, sống và gầy dựng lại cũng
là đồng hành với việc chuẩn bị ứng phó với tai họa mới có thể xảy ra.
Xe chúng tôi lầm lũi ra về.Ai cũng im lặng, kể cả bác tài xế. Đối với
Đoàn thanh niên chúng tôi, những người luôn sôi nổi với lý tưởng và niềm
tin, muốn được đóng góp, muốn được thực hiện công bằng, muốn sẵn sàng
gánh hết trái đắng để dành tặng cho cuộc đời những hương hoa trái ngọt,
thì sự yên lặng cũng như việc chúng tôi nhận ra rằng sự tiếp sức của
mình quả thật nhỏ nhoi. Có thể nó không đến đủ với tất cả những hoàn
cảnh khó khăn, nhưng thôi thì cũng yên lòng phần nào khi biết rằng đã có
nhiều và sẽ còn nhiều những tổ chức, đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm
chung tay góp sức chia sẻ khó khăn cùng bà con.Còn nhiều con đường chúng
tôi chưa qua, còn nhiều nỗi đau mà chẳng thể nào chạm tới. Thôi thì hứa
với nhau, hứa với bản thân rằng sẽ cố gắng tổ chức thật nhiều chuyến đi
như vậy, vận động thêm thật nhiều tấm lòng nữa để trên những con đường
chúng tôi qua sẽ để lại thật nhiều tiếng cười, thật nhiều ước mơ được
ươm mầm … Đành hẹn một dịp khác!
Trời về chiều. Mặt trời đã lặn xuống gần sát mặt đất. Núi cũng mờ
đi.Chợt nghe vẳng đâu đó tiếng hát hay là tiếng từ lòng tôi vọng lại “Thương
em, thương em chín đợi mười chờ.Chín đợi mười chờ.Bao giờ, bao giờ dâu
mượt.Bao giờ dâu mượt, em cho tằm, em cho tằm … nhả tơ”.Trên bầu
trời bừng sáng ngôi sao đầu tiên.

Niềm vui sau chuyến đi
|